TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN CÓ THỂ HỌC NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM ĐỂ LÀM GIÁO VIÊN
Đăng lúc: 26/05/2021 (GMT+7)
Từ ngày 22/5/2021, người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, THCS, THPT sẽ được học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS, THPT). Theo Thông tư 11, đối tượng áp dụng là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất và Ngoại ngữ). Để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người học phải hoàn thành 35 tín chỉ. Theo Thông tư 12, đối tượng học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên THCS, THPT là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học của bậc THCS, THPT. Người học phải hoàn thành 34 tín chỉ để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cử nhân muốn làm giáo viên tiểu học được thiết kế với 35 tín chỉ, trong đó 31 tín chỉ bắt buộc, 4 tự chọn. Một tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết. Một tiết lý thuyết tương đương với hai tiết thảo luận, thực hành. Chương trình dành cho người có nguyện vọng làm giáo viên THCS, THPT sẽ gồm 34 tín chỉ, trong đó 17 tín chỉ chung và 17 tín chỉ nhánh THCS hoặc THPT. Mục tiêu chung của chương trình là người học có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở từng cấp học. Hai Thông tư nêu rõ mục tiêu cụ thể về phẩm chất, năng lực giáo dục, dạy học, định hướng phát triển học sinh, hoạt động xã hội hay phát triển nghề nghiệp. Chẳng hạn, ở năng lực dạy học, người có nguyện vọng làm giáo viên tiểu học phải biết vận dụng kiến thức về tâm lý học, giáo dục học tiểu học để dạy học sinh, phân tích được cấu trúc bài học, lựa chọn nội dung phù hợp, ứng dụng được công nghệ thông tin. Những người có nguyện vọng dạy THCS hoặc THPT phải vận dụng được tri thức khoa học chuyên ngành vào dạy chương trình môn học phổ thông, xây dựng được kế hoạch dạy học, bài học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm học sinh và môi trường giáo dục, đánh giá được quá trình và kết quả học tập của học sinh... Hai Thông tư 11 và 12 đều có hiệu lực thi hành từ 22/5/2021. |
Nguồn tin: http://truyenhinhthanhhoa.vn/giao-duc/202104/tot-nghiep-cu-nhan-co-the-hoc-nghiep-vu-su-pham-de-lam-giao-vien-8339913/, Tác giả: Theo Cổng TTĐT Chính phủ |
Các tin khác
- KHAI MẠC TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT SẮC MÀU TUCST LẦN THỨ 3
- CHUNG KẾT HỘI THI HỌC SINH, SINH VIÊN THANH LỊCH TUCST NĂM 2024
- GIẢNG VIÊN VŨ TRỌNG THÀNH THAM GIA HỘI GIẢNG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2024-2025 HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11
- TRIỂN LÃM MỸ THUẬT "NGHỆ THUẬT SẮC MÀU TUCST" LẦN THỨ 3
- THIẾT KẾ ĐỒ HỌA, NGÀNH NGHỀ TRIỂN VỌNG NHẤT THỜI ĐẠI 4.0
- DRAPING LÀ GÌ?
- CUỘC THI “SÁNG TÁC MẪU PHÁC THẢO TƯỢNG ĐÀI BÀ TRIỆU CHẤT LIỆU ĐỒNG" LẦN 3
- TÀI LIỆU VỀ DỰ THI “SÁNG TÁC MẪU PHÁC THẢO TƯỢNG ĐÀI BÀ TRIỆU CHẤT LIỆU ĐỒNG"
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA "XỨ THANH - ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG"
- KHOA MỸ THUẬT - TUCST - TRIỂN LÃM MỸ THUẬT HƯỚNG TỚI LỄ KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11.